Đã bao giờ quý vị nghĩ rằng những cuộc đàm thoại quan trọng, hoặc rất riêng tư và tế nhị của mình bị ai đó theo dõi? Tình trạng bí mật cá nhân đang ngang nhiên trở thành miếng mồi kinh doanh của kẻ khác là lời cảnh báo cho hàng chục triệu thuê bao di động hiện nay.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Huyền Mến, một nhà môi giới tài chính đã tìm phóng viên để phản ánh việc điện thoại di động của chị bị người khác theo dõi. Chị rất bức xúc và không hiểu tại sao một số đối thủ cạnh tranh và bạn bè luôn lấy được nội dung tin nhắn và nhật ký cuộc gọi từ trong máy di động của chị. Thậm chí cả nội dung cuộc gọi của chị với người khác họ cũng ghi âm được.
Chị Mến cho biết: “Tôi đi nước ngoài hay đang ở đâu họ đều biết. Tôi nhắn tin cho ai, nói cái gì họ cũng biết. Không chỉ là khách hàng chứng khoán, mà cả bạn bè có khi chỉ vì trêu đùa họ cũng nghe lén điện thoại của tôi”.
Chị Mến một mực khẳng định đó là lỗi của nhà mạng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì biết, hiện trên thị trường đang rao bán tràn lan và công khai thiết bị cũng như phần mềm nghe trộm. Ngay cả phóng viên cũng nhận được tin nhắn chào mời dịch vụ này. Liên hệ với người bán, không khỏi giật mình với những gì nghe được và hiểu tại sao chị Mến lại bị nghe lén dễ dàng đến vậy.
Người bán hàng nói: “Chị cầm vào cái máy đó khoảng 5-7 phút là cài được phần mềm theo dõi. Nó sẽ tạo ra một phiên bản sao chép trực tiếp từ máy đó sang một web riêng cho chị xem”.
Để chứng minh lời mời chào của mình trung thực đến thế nào, một trong số người bán đã cho phóng viên xem giao diện của một phần mềm mà họ đang dùng theo dõi điện thoại của một người khác, đó là một máy điện thoại Iphone 4. Chủ nhân của nó không hề biết rằng anh hay chị ta gọi điện cho ai, nhắn tin gì, thậm chí đang ở đâu đều bị người khác biết…
Giá rẻ, dễ mua nên không ít người đã sử dụng để trêu đùa hoặc kiểm soát người khác. Tuy nhiên, có lẽ họ chưa hiểu rằng, làm như vậy là vi phạm pháp luật, có thể đối mặt với với mức phạt tới 2 năm tù giam.
Luật sư Lê Thành Vinh, Phó TGĐ công ty Luật SMIC cho biết: “Việc nghe lén vi phạm cả Luật dân sự, hình sự và Luật viễn thông. Người bị nghe lén có thể khởi kiện…”.
Hiện chị Nguyễn Thị Huyền Mến, nạn nhân của phần mềm nghe lén đang phải dùng tới 6 chiếc điện thoại di động và thay đổi sim liên tục. Xã hội sẽ tốn bao nhiêu tiền của nếu mỗi người phải dùng vài ba chiếc điện thoại và hàng chục chiếc sim như thế. Còn với hàng trăm triệu thuê bao di động tại Việt Nam thì sao. Với tình trạng buôn bán công khai thiết bị và phần mềm gián điệp như hiện nay, có bao nhiêu người đang bị nghe lén mà không biết. Đã bao nhiêu người bị ăn cắp mật khẩu và số thẻ ngân hàng chỉ vì giao dịch qua điện thoại. Đã bao nhiêu người bị nghe lén, bị thiệt hại kinh tế mà không biết?. Và rồi sẽ có bao nhiêu người rơi vào vòng lao lý, tù tội chỉ vì tò mò đời tư của người khác.
Việc xâm phạm quyền riêng tư của mỗi người bằng bất kể hình thức nào là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên lời lời cảnh báo dành cho hàng chục triệu người đang sử dụng di động, đặc biệt là những ai đang sở hữu nhiều thông tin quan trọng thì rất nên có những biện pháp đề phòng hành vi nghe lén. Có hai nguyên tắc cần tuân thủ: Không bao giờ rời chiếc điện thoại của mình, thận trọng khi nhận quà tặng là một chiếc điện thoại và hãy cảnh giác trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Mời quý vị theo dõi Video tại đây: Nguy cơ bị nghe lén điện thoại di động
Lê Hương – Ngọc Trinh (Theo VTV)
Originally posted 2020-03-24 13:52:55.