Cơ khí là một ngành luôn đòi hỏi sự chính xác rất cao, vì vậy, thước đo là dụng cụ không thể thiếu mỗi khi làm việc. Các loại thước đo trong cơ khí rất đa dạng, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, nên không phải ai cũng biết rõ về những dụng cụ này. Để hiểu rõ hơn về chúng, hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây nhé!
Thước kẹp
Thước kẹp (hay còn gọi là thước cặp) là một trong các loại thước đo trong cơ khí, thường dùng để đo khoảng cách, kích thước bên trong, kích thước bên ngoài, độ sâu của các vật dụng, thiết bị có hình hộp, hình trụ, hình trụ rỗng…
Thước kẹp được sử dụng nhiều nhất trong ngành công nghiệp chế tạo máy, cơ khí… bởi nó có tính đa dụng, phạm vi đo rộng, dễ sử dụng, giá thành lại rẻ và có độ chính xác cao khi đo các chi tiết máy, các chi tiết cơ khí như: Đường kính trong/ngoài của các loại ống thép, ống nhựa, ống PVC, thép tròn…
Ngoài ra, trong ngành thiết kế nội thất và xây dựng, thước kẹp cũng được dùng để đo cả các chi tiết gỗ, phụ kiện, đồ dùng nội thất… nhằm đáp ứng yêu cầu thi công đòi hỏi độ chính xác cao.
Thước panme
Thước Panme là một loại thước cơ khí có độ chính xác cao, có thể lên tới 0,0005mm. Thước Panme thường được sử dụng nhiều trong ngành cơ khí chế tạo. Nó bao gồm 3 loại chủ yếu là Panme đo đường kính ngoài, đường kính trong của trục và độ sâu của khe.
Panme thường được dùng để đo kích thước ngoài, kích thước trong, đo chiều sâu của piston, kích thước của trục khuỷu, phanh đĩa, kích thước xi-lanh và độ sâu của lỗ khoan… Hiện nay, thước Panme đang dần trở nên thông dụng hơn so với thước kẹp bởi nó có độ sai số ít hơn khá nhiều.
Ngoài ra khi đo bằng Panme, các chi tiết sẽ không bị tác dụng lực như thước cặp nên ít sai số. Vì vậy, khi cần đo vật thể với yêu cầu chính xác cao thì nên sử dụng thước Panme để đo thì sẽ hiệu quả hơn.
Thước đo chiều cao và chiều sâu
Nói đến các loại thước đo trong cơ khí không thể không nói đến các loại thước đo chiều cao và chiều sâu.
Thước đo chiều cao là một dụng cụ đo trong cơ khí. Loại thước này có độ chính xác cao, thường sử dụng để đo chiều dọc của đối tượng hoặc đánh đấu khoảng cách thẳng đứng từ các cở sở của một đối tượng đo. Thước đo chiều cao thường được sử dụng trong sản xuất, gia công và chế tạo cơ khí.
Thước đo chiều sâu dùng đo độ sâu của một chi tiết, hay độ sâu của rãnh, bậc ren trong các chi tiết ở động cơ thiết bị cơ khí… Loại thước này thường không có tính vạn năng, do đó, mỗi chi tiết máy khác nhau lại cần một dụng cụ riêng biệt với nhiều kích cỡ khác nhau.
Các loại thước cơ khí trên đây cũng thường có cấu tạo cơ bản tương tự với thước cặp, chỉ khác là không có mỏ đo cố định, thay vào đó là mỏ động. Mỏ động của thước cơ khí đo chiều sâu là một thanh ngang. Ở thước đo chiều cao, mỏ động có thể lắp được mũi đo hoặc mũi vật dấu, thước chính được lắp cố định trên một đế gang.