Như vậy sau thời gian dài chờ đợi, trong khuôn khổ sự kiện Spring Loaded diễn ra rạng sáng nay, Apple cuối cùng cũng đã chính thức trình làng món phụ kiện rất được mong chờ: AirTag.
AirTag là gì?
Về cơ bản, AirTag là một thiết bị theo dõi thông minh, được thiết kế để có thể gắn vào bất kỳ đồ vật nào, và cho phép người dùng nhanh chóng định vị vị trí của đồ vật đó thông qua ứng dụng Find My trên iPhone hoặc iPad.
Nói cách khác, thông qua AirTag, bạn có thể kiểm soát vị trí của bất cứ đồ vật nào (thậm chí cả chìa khóa hoặc ví) ngay trên chiếc điện thoại của mình, giúp hạn chế đáng kể các trường hợp thất lạc không đáng có.
AirTag có thiết kế hình tròn với hai mặt đối xứng, một mặt có gắn logo Apple và mặt còn lại có thể được tùy chỉnh theo sở thích của người dùng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể cá nhân hóa với các phụ kiện phong phú đi kèm với thiết bị.
Về mặt công nghệ, AirTag giao tiếp với chip U1 trên iPhone, sử dụng công nghệ UWB để phát hiện chính xác vị trí của thiết bị, kết hợp với các cảm biến mang tính định vị khác như la bàn và camera. Đặc biệt, nó cũng đi kèm với một loa tích hợp có thể phát ra âm thanh khi cần để giúp bạn dễ dàng định vị hơn. AirTag đạt xếp hạng chống nước và bụi IP67, mang đến khả năng sử dụng cực kỳ linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau.
Tương tự như SmartTags của Samsung, AirTags có thể tận dụng mạng lưới Find My – với quy mô lên tới gần một tỷ thiết bị – để xác định vị trí một món đồ bị thất lạc ngay cả khi nó nằm ngoài phạm vi kết nối Bluetooth. AirTag sẽ ping các thiết bị khác trên mạng Find My và gửi vị trí trở lại chủ sở hữu món đồ bị thất lạc.
Người dùng cũng có thể đặt AirTag vào Lost Mode (trạng thái thất lạc) để có thể nhận thông báo bất cứ khi nào món đồ nằm trong phạm vi kiểm soát của iPhone hoặc được phát hiện bởi những người dùng khác trong mạng lưới Find My.
Nếu ai đó tìm thấy thẻ AirTag bị mất, họ cũng có thể chạm vào một thiết bị tương thích NFC trên đó để tìm thông tin liên hệ của chủ sở hữu và trả lại.
Ngoài ra, còn có một số tính năng bảo mật và quyền riêng tư đáng chú ý khác cần nhắc tới. Chẳng hạn, bộ nhận dạng tín hiệu Bluetooth của AirTag sẽ thay đổi thường xuyên nên việc theo dõi vị trí của nó sẽ không hề dễ dàng. Người dùng iPhone cũng sẽ được thông báo nếu một AirTag không xác định liên tục di chuyển cùng với họ, tránh trường hợp AirTag bị lạm dụng để theo dõi chính con người.
Về thời lượng sử dụng, Apple cho biết viên pin trên AirTag có thể cho thời gian sử dụng lên tới 1 năm và có thể thay thế được. Sản phẩm sẽ được bán ra vào ngày 30/4 tới đây với mức giá chỉ 29 USD, tương đương 669.000 đồng.
- Apple trình làng thế hệ iMac mới chạy chip M1 cùng nhiều tùy chọn màu sắc bắt mắt
- 3 ứng dụng tùy chỉnh mặt đồng hồ Apple Watch tốt nhất
- Những điều đáng mong đợi nhất trong sự kiện đầu tiên của Apple năm 2021
- Chiếc Apple iPhone 11 Pro ‘độc bản’ với logo táo khuyết in lệch được rao bán với giá ngất ngưởng