Bạn đang cần một hệ thống máy chủ đủ tốt để phát triển các game hot, các website lớn hay lưu trữ dữ liệu cho doanh nghiệp? Bạn đã có tất cả nhưng chỉ thiếu tiền? Virtual Private Server hay còn gọi là máy chủ riêng ảo có thể là một lựa chọn để cân nhắc. Bài viết này, NQ Computing sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết trước khi mua hay thuê một Virtual Private Server…
Vậy Virtual Private Server là gì?

Virtual Private Server (viết tắt là VPS) là máy chủ riêng ảo, thông thường được chia sẻ tài nguyên từ một máy chủ vật lý khác. Nói đơn giản, một máy chủ vật lý được chia thành nhiều VPS tách biệt nhờ vào công nghệ ảo hóa. Mỗi máy chủ riêng ảo sẽ có CPU, RAM, ổ cứng, hệ điều hành riêng biệt và có tính năng tương tự như máy chủ vật lý ban đầu. Nếu đã từng làm việc với shared host thì bạn cũng biết rằng website sẽ thường xuyên chậm, lag khi có quá nhiều truy cập. Đó là vì sử dụng shared host bạn phải chia sẻ không gian, tài nguyên và bị ảnh hưởng bởi những website khác, điều này hoàn toàn không xảy ra ở VPS. Các máy chủ ảo còn cho người dùng quyền quản lý cao nhất (có quyền root) và được restart hệ thống bất cứ lúc nào.
>> Tìm hiểu thêm: Ưu điểm và nhược điểm của Shared Hosting” data-rel=”follow”>Ưu điểm và nhược điểm của Shared Hosting
Khi nào cần sử dụng máy chủ riêng ảo?
– Khi cần một máy chủ game ổn định: có nhiều game hot hay game mới phát hành tạo được tiếng vang lớn sẽ thu hút rất nhiều người chơi truy cập. Nếu bạn chưa có đủ điều kiện để mua một máy chủ riêng thì VPS sẽ là một lựa chọn không tồi. Bởi lẽ giá thành thuê VPS không quá cao nhưng cấu hình, dung lượng của nó cũng khá “khủng”.
– Lưu trữ các dịch vụ web: máy chủ riêng ảo có đủ khả năng chạy các website bán hàng, trang tin có lượng traffic lớn… VPS vừa đảm bảo sự ổn định cho dịch vụ web, vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống server.
– Lưu trữ các dữ liệu lớn: nhiều doanh nghiệp sử dụng Virtual Private Server thay cho các thiết bị lưu trữ rời kém ổn định. Các máy chủ ảo có dung lượng lớn sẻ hỗ trợ doanh nghiệp lưu trữ tài liệu, hình ảnh, video…
– Cần một hệ thống mail server cho doanh nghiệp: VPS sẽ giúp các công ty lưu trữ, gửi, nhận khối lượng email lớn từ trong và ngoài doanh nghiệp.
Ngoài các công dụng trên, máy chủ riêng ảo VPS còn giúp tạo môi trường để nghiên cứu, lập trình, hỗ trợ các chương trình truyền thông…
Lợi ích và hạn chế của Virtual Private Server
VPS sở hữu nhiều ưu điểm
– Thời gian cài đặt nhanh chóng, chỉ sau vài phút là bạn có thể sử dụng VPS.
– Có độ bảo mật và tính riêng tư cao: vì Virtual Private Server là các máy ảo tách biệt nên các files, hệ thống dữ liệu của mỗi người dùng sẽ luôn bất khả xâm lược với những user khác.
– Có CPU, dung lượng, ram riêng như một máy chủ độc lập chứ không dùng chung tài nguyên như khi dùng shared host. Vì vậy VPS đảm bảo sự ổn định, tốc độ xử lý cao trong mọi hoàn cảnh.
– Chi phí để sở hữu một máy chủ riêng ảo thấp hơn so với việc đầu tư một máy chủ thực, vì vậy đây là giải pháp tiết kiệm nhưng vẫn hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh những lợi ích trên, VPS cũng có nhiều hạn chế
– Yêu cầu nhiều kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật để quản lý.
– Dù khá giống với máy chủ thật nhưng máy chủ riêng ảo cũng chỉ là “máy ảo” bị phụ thuộc vào “máy thật”. Nếu sever vật lý bị trục trặc thì VPS cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, chất lượng và năng suất hoạt động của VPS cũng không thể sánh bằng với server thật.
– Gặp giới hạn trong việc nâng cấp tài nguyên, khá tốn thời gian và chi phí để tiến hành upgrade.
Những thông số cần quan tâm khi mua/thuê VPS
Mỗi Virtual Private Server có các thông số khác nhau sẽ quyết định đến chất lượng và giá tiền của máy. Vì vậy bạn cần quan tâm đến các thông số sau trước khi mua/thuê VPS:
– RAM: đây là một bộ phận quan trọng quyết định năng suất làm việc của bất kỳ máy tính nào. RAM của các máy chủ riêng ảo hiện nay chủ yếu từ 512MB đến 32 GB, RAM càng lớn thì khả năng xử lý, tốc độ VPS càng cao. Tùy vào nhu cầu sử dụng sẽ cần bộ nhớ RAM khác nhau. Chẳng hạn bạn cần dùng website WordPress thì RAM từ 2GB trở lên mới có thể xử lý được lượng truy cập lớn mỗi ngày.
– Ổ đĩa cứng (Disk): đây là không gian lưu trữ các file của hệ điều hành, các file mã nguồn web của máy chủ riêng ảo. Disk sẽ có 2 loại gồm ổ HDD và SSD (ổ cứng bán dẫn có tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh hơn ổ HDD nhiều lần). Một số VPS chứa ổ SSD có tốc độ lên tới 2 GB/s. Và tất nhiên tiền nào của nấy, máy chủ riêng ảo chứa ổ HDD sẽ có giá rẻ hơn so với ổ SSD.

So sánh SSD và HDD
– CPU Core: CPU core càng nhiều thì hiệu suất làm việc càng tốt. Thông thường một VPS được chia core từ máy chủ vật lý sẽ có từ 1 đến 16 core cho bạn lựa chọn.
– Băng thông (Bandwidth): là lượng dữ liệu tối đa có thể truyền tải giữa người sử dụng và website trong một giây. Tùy vào gói VPS sẽ có giới hạn băng thông khác nhau, băng thông càng cao thì mức dữ liệu có thể truyền tải càng lớn, tránh làm đường truyền ngắt quãng, đáp ứng được lượng truy cập cao trên các website…
– Số lượng địa chỉ IP (Internet Protocol): nếu bạn có nhu cầu mua thêm nhiều địa chỉ IP (để sử dụng cho nhiều website chẳng hạn) thì nhà cung cấp VPS sẽ tính thêm phí và cấp cho bạn các dãy IP ngẫu nhiên..
– SWAP: là một dạng RAM ảo được sử dụng để hỗ trợ lưu trữ dữ liệu khi RAM vật lý đã đầy. SWAP không phải là một bộ nhớ như thông thường mà nó chỉ là một không gian lưu trữ trên ổ cứng. SWAP ít khi được người dùng quan tâm tới nên nó thường không được hiển thị ở các bảng giá khi mua/thuê máy chủ riêng ảo.
– Hệ điều hành: khi mua hoặc thuê Virtual Private Server, nhà cung cấp sẽ cho bạn tùy chọn các hệ điều hành như CentOS, Ubuntu, Fedora, Windows… tùy vào mục đích sử dụng VPS, bạn có thể lựa chọn các hệ điều hành khác nhau. Ví dụ như khi bạn cần chạy website PHP thì nên chọn các hệ điều hành như CentOS hay Ubuntu vì có nhiều người sử dụng chúng…
Đó là 7 yếu tố cơ bản bạn cần cân nhắc trước khi lựa chọn các VPS. Trong đó thông tin về SWAP và hệ điều hành thường không quá quan trọng nên bạn có thể “bơ” chúng cũng không sao.
Ngoài VPS và shared hosting, vẫn còn một loại hình lưu trữ website khác cũng khá phổ biển hiện nay là Cloud Server. Cloud Server với nhiều tính năng và sức mạnh tính toán mở rộng hơn, mạnh mẽ hơn không những khắc phục được toàn bộ các hạn chế của VPS mà còn cho phép phát triển website theo nhu cầu sử dụng của người dùng.
Nguồn: NQ Computing chia sẻ